0

Một số lưu ý khi bón phân cho cây trồng

Một số lưu ý khi bón phân cho cây trồng

Có thể ví phân bón là “thức ăn”của cây trồng. Việc bón phân thích hợp sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; ít hoặc không tác động xấu đến kết cấu đất canh tác và môi trường. Ý nghĩa của vấn đề này càng quan trọng hơn khi nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn đang cạn kiệt, sản xuất trong điều kiện cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt buộc chúng ta phải tiết kiệm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau. Mỗi loại cây trồng đều có nhu cầu phân bón nhất định. Trên cơ sở sinh lý, sinh thái mỗi loại cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng từng nơi, kết quả nghiên cứu chế độ bón phân, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bà con nông dân, các nhà khoa học đã nêu ra những qui trình bón phân cho mỗi loại cây trồng để áp dụng vào sản xuất. Một chế độ bón phân thích hợp là đảm bảo các yêu cầu: đúng lúc (thời điểm bón), đúng cách, đúng lượng, đúng phân. Mục đích, yêu cầu của bón phân thích hợp là: đáp ứng nhu cầu của cây, đạt được hiệu lực và hiệu quả của phân bón, lượng phân thất thoát ít nhất. 


Với nhóm phân hữu cơ: dùng để bón lót, chỉ bón phân đã được ủ hoai mục, không bón phân tươi. Ngoài cung cấp dinh dưỡng, phân hữu cơ còn có tác dụng cải thiện thành phần cơ giới của đất, làm đất tơi xốp, thoáng khí, hấp thu và giữ nước, phân tốt. Tuy nhiên, do tỷ lệ và hàm lượng các yếu tố dinh dưỡng trong phân hữu cơ thấp nên phải bón phối hợp và cân đối lượng phân hữu cơ với phân vô cơ.


Với nhóm phân vô cơ: phân Ure, phân Kali là những phân tan nhanh; dễ gây cháy lá, héo rễ non và lông hút của cây nếu để phân tiếp xúc trực tiếp; dễ bay hơi, rửa trôi, tồn tại lâu trong nước ruộng sẽ gây ra độc tố. Vì vậy không nên bón phân phơi lên mặt ruộng, vườn; khi bón cần thao tác cẩn thận và bón làm nhiều lần. Phân lân thường lâu tan, có thể tồn tại trong đất thời gian dài, nên bón lót hết định lượng theo qui trình kỹ thuật. Mặt khác, phân lân nung chảy có hàm lượng Mg cao (khoảng 16% MgO), rất thích hợp để bón đất chua và nghèo Mg. Không bón phân đạm Sunphat (NH4)2SO4 trên đất chua, vì gốc SO42- sẽ kết hợp với ion H+ có nhiều trong đất tạo ra axit H2SO4 làm tăng thêm độ chua của đất.

Nên bón phân vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, không bón phân lúc trời mưa hoặc dự báo sắp có mưa phân sẽ bị rửa trôi. Không nên trộn nhiều loại phân với nhau để bón vì có thể xảy ra trường hợp làm giảm hiệu lực một số loại phân, chẳng hạn như không nên trộn phân Supe Phốt phát với các phân gốc kiềm dễ tạo thành hợp chất khó tan cây trồng không hấp thu được. Nói như vậy không có nghĩa là không được trộn các loại phân đơn thành hỗn hợp phân để bón, mà nên trộn một cách thích hợp để không tạo ra hợp chất kết tủa, dễ bay hơi, giảm chi phí phân bón khi giá phân hỗn hợp có xu hướng tăng cao.

Ngoài ra cũng cần chú ý thực hiện tốt các chi tiết kỹ thuật: không cày, xới đất sâu gây chấn thương rễ cây, bón phân vào đất ở độ sâu thích hợp với từng loại cây trồng, không nên bón phân phân vào sát gốc cây, nhất là với những loại cây công nghiệp và cây ăn quả.


Với nhóm phân vi sinh vật: không dùng những loại phân không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm nghiệm chất lượng và khuyến cáo sử dụng của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bón đúng liều, đúng cách, có điều kiện đảm bảo, theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì, tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật trồng trọt, cán bộ khuyến nông./.

sưu tầm